Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 24 Thường niên C Lc 15, 1 – 3.11b – 32 Chúa Giê-su có một tông đồ, lý lịch đen như mõm chó. Đó là ông Mát-thêu, nhân viên thuế vụ của nhà nước La-mã xâm lược. Đồng bào Do Thái coi ông như một tên ngoại quốc và ngoại đạo. Đạo Do Thái ra vạ tuyệt thông tiền kết và cách ly cho ông.
Chúa tuyển chọn Mát-thêu làm môn đệ khiến các ông Pha-ri-sêu ngứa mắt chịu không nổi. Mát-thêu bị vạ tuyệt thông cách ly, thế mà Chúa phớt lờ giáo luật, Ngài đến dùng bữa tại nhà ông ấy. Lại bị ngứa mắt nữa, các ông Pha-ri-sêu bèn thắc mắc với các Tông đồ: "Tại sao thầy trò các anh lại dùng bữa với phường tội lỗi?" Chưa hết đâu, sau này trên đường truyền giáo có một đoàn phụ nữ tháp tùng. Trong đó có một người mà lý lịch còn đen hơn lý lịch của Mát-thêu nữa. Đó là cô điếm Mác-đa-la, vì được nghe lời Chúa mà hoàn lương. Chắc chắn các ông Pha-ri-sêu còn bị ngứa mắt nhiều hơn nữa. Kệ, Chúa vẫn cứ yêu thương người tội lỗi và coi đó như một liều thuốc nhiệm mầu để làm người tội lỗi hoàn lương. Đây là một mạc khải của Chúa Cha: yêu thương và cứu độ người tội lỗi. Để trình bày mạc khải đó, Đức Giê-su đã sáng tác một dụ ngôn mang tên "Người cha nhân từ". Nội dung của dụ ngôn được trình bày như sau: Một người cha có hai đứa con. Đứa con cả ngoan như thiên thần. Thằng em thì chỉ biết ăn chơi. Nó xin cha chia gia tài để nó có vốn làm ăn. Theo luật Do Thái, thì gia tài này được chia làm ba phần: một phần cho anh cả; một phần cho chú em; một phần nữa trao cho anh cả quản lý để có cái phụng dưỡng cha mẹ và lo hậu sự cho các ngài. Chú em ôm tiền đi phương xa không phải để kinh doanh, mà để ăn chơi xả láng. Ăn chơi xả láng, được văn hóa Việt Nam gọi là "Tứ Đổ Tường", tức là: cờ bạc; rượu chè; xì ke và đĩ điếm. Rượu chè, xì ke, đĩ điếm thì cả năm mới xài hết số tiền ấy. Nhưng cờ bạc thì chỉ một đêm cũng sạch túi. Hết tiền thì phải đi làm mướn. Được người ta mướn nuôi heo. Nuôi heo thì chủ cho ăn cơm. Nhưng vẫn thấy nhục vì heo được xếp vào loại gây uế. Hắn tự cảm thấy mình thua con heo, con vật gây tội lỗi. Hắn bèn trốn về nhà xin lỗi cha và xin làm đầy tớ cho cha thôi.
Hắn không thể ngờ được rằng cha hắn vẫn hằng ngày ngóng chờ ngày trở về của hắn. Về tới nhà, cha hắn ôm đứa con hư vào lòng. Hắn xin lỗi cha, cha như điếc không nghe. Hắn xin làm đầy tớ, cha hắn cũng như điếc không nghe. Tay ôm hôn con, miệng thì gọi đầy tớ đem quần áo mới ra mặc cho nó, lấy dép xỏ vào chân, lấy nhẫn xỏ vào tay, rồi mổ bê béo ăn mừng. Văn nghệ um sùm... Thằng con ngu dại làm khổ người cha. Người cha thì yêu con như một người cha khùng. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận gọi người cha ấy là người khùng yêu như một người khùng. Nhưng sau đó Đức Hồng Y Thuận lại nói rằng: "Chỉ có tình yêu khùng như thế mới diễn tả được tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu mà loài người không thể diễn tả hết được bằng bất cứ hình ảnh nào, bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Chúa yêu chúng ta như thế đó. Chúa yêu người tội lỗi như thế đó. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu, đấm ngực rồi ôm Chúa vào lòng. Ôm thật chặt. Ôm mãi và đừng buông tay thôi ôm. Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
|